30 phút tập thể dục mỗi ngày giúp giảm 20% nguy cơ ung thư
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá, rượu bia, chế độ ăn uống không lành mạnh, lười vận động và béo phì là những yếu tố nguy cơ chính gây ung thư. Cũng theo WHO, ít nhất 1/3 số ca ung thư có thể phòng ngừa được, bằng cách thay đổi lối sống.
Tập thể dục giúp mang lại nhiều giá trị tích cực cho sức khỏe. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tập thể dục đều đặn giúp giảm nguy cơ ung thư đến 20%.
Chỉ bằng cách định kỳ tập thể dục 30 phút mỗi ngày, bạn đã có thể giảm đáng kể nguy cơ ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung và nhiều loại ung thư phổ biến khác.
Tập thể dục giúp phòng ngừa ung thư như thế nào?
Tuổi tác càng càng, rủi ro mắc bệnh ung thư cũng sẽ càng tăng lên. Tập thể dục được xem là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại tuổi tác và ung thư.
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2018 bởi Đại học Y học thể thao Mỹ đã chỉ ra rằng, các môn thể thao như leo núi, đi bộ, chạy bộ, trượt băng, bơi lội, đi xe đạp, võ thuật,… có thể làm giảm 12% -28% nguy cơ ung thư.
Nhiều bằng chứng khoa học khác cho thấy, các bệnh ung thư có thể được phòng chống hiệu quả nhờ tập thể dục bao gồm: ung thư thực quản, ung thư đại trực tràng, ung thư thận, ung thư bàng quang, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung.
Ngoài ra, một nghiên cứu quy mô lớn của Châu Âu còn chỉ ra rằng, tập thể dục thường xuyên có thể giảm 20% nguy cơ ung thư đại trực tràng và ung thư vú.
Tập thể dục giúp cơ thể phòng chống ung thư theo nhiều con đường khác nhau.
Trước hết, khi cơ thể vận động, nhịp thở sẽ nhanh hơn và lượng oxy hít vào tăng lên, thúc đẩy quá trình tuần hoàn trong cơ thể. Việc mồ hôi được tiết ra nhiều cũng giúp cải thiện quá trình trao đổi chất của cơ thể, giảm sự xuất hiện hoặc tái phát của bệnh ung thư.
Tập thể dục cũng kích thích não sản sinh ra các hormone cải thiện tinh thần, chẳng hạn như dopamine. Nhờ vậy, các bài tập vận động có thể giúp chúng ta loại bỏ lo lắng và ức chế cảm xúc tiêu cực, từ đó giảm nguy cơ ung thư.
Tập thể dục có nhiều lợi ích với bệnh nhân điều trị ung thư
Các phương pháp điều trị ung thư khác nhau, chẳng hạn như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp trúng đích hoặc liệu pháp miễn dịch, đều có những tác dụng phụ nhất định.
Tập thể dục được chứng minh có thể làm giảm các tác dụng không mong muốn sau khi điều trị ung thư, đặc biệt là hiện tượng mệt mỏi, lo lắng và trầm cảm.
Thông qua 30 phút tập thể dục cường độ vừa phải có thể làm giảm đáng kể tác động lên cơ thể trong hoặc sau khi điều trị. Nếu người bệnh quá yếu, không thể tập trong thời gian dài có thể thay đổi thành 10 phút mỗi lần tập và tập nhiều lần
Tập thể dục như thế nào là đủ?
Nhìn chung, một người trưởng thành khỏe mạnh được khuyến khích tập thể dục 2,5 đến 5 giờ mỗi tuần với hoạt động cường độ vừa phải và tối đa 2,5 giờ với hoạt động mạnh.
Các hoạt động thể dục ở cường độ vừa phải gồm: đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu dưới nước, đạp xe đạp chậm, chơi quần vợt (đánh đôi), khiêu vũ trong nhà, làm vườn…
Các hoạt động thể dục cường độ mạnh gồm: chạy bộ, bơi lội, nhảy dây, đi bộ đường dài, chơi quần vợt (đánh đơn), nhảy aerobic…
Minh Nhật
Nguồn: Internet
TUYỂN ĐẠI LÝ
Liên hệ tư vấn: 092.200.1616